Giới thiệu chung
Các mục đích khác của Vạn Lý Trường Thành bao gồm kiểm soát biên giới, cho phép áp đặt thuế đối với hàng hóa vận chuyển theo con đường tơ lụa, quy định hoặc khuyến khích thương mại và kiểm soát xuất nhập cảnh. Hơn nữa, đặc điểm phòng thủ của Vạn Lý Trường Thành đã được tăng cường bằng việc xây dựng các tháp canh, doanh trại quân đội, trạm đóng quân, báo hiệu có giặc thông qua các phương tiện khói hoặc lửa, và thực tế là con đường của Vạn Lý Trường Thành cũng phục vụ như là một hành lang giao thông vận tải.
Một nghiên cứu sơ bộ công bố hồi năm 2009 ước tính công trình có chiều dài 8.850 km (3.948 dặm Anh). Nhưng theo số liệu mới được công bố, Vạn Lý Trường Thành dài 21.196 km, chiều dài này được đưa ra dựa trên một cuộc khảo sát mới nhất, nhưng thật sự nếu chúng ta chấp nối tất cả các đoạn Trường Thành đã biết ngày nay lại với nhau thì chiều dài của chúng lên tới 56,000 km.Chiều cao trung bình tường thành là 7m so với mặt đất, mặt trên của trường thành rộng trung bình 5-6m. Vạn Lý Trường Thành bắt đầu từ Sơn Hải quan trên bờ Biển Bột Hải ở phía đông, tại giới hạn giữa Trung Quốc bản thổ ("đất Trung Quốc gốc") và Mãn Châu đến Lop Nur ở phần phía đông nam Khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Tên gọi
Dãy các bức tường ngày nay có tên Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc đã được gọi bằng một số tên khác nhau. Tên tiếng Anh hiện tại đã hình thành từ các tường thuật nhiệt tình về "bức tường Trung Quốc" của khách du lịch châu Âu thời đó; vào cuối thế kỷ 19 "Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc" đã trở thành tên của các bức tường này. Trong tiếng Trung Quốc, dãy tường thành này được gọi là "Cháng chéng" (長城), có nghĩa là "bức tường dài". Thuật ngữ này có thể được tìm thấy trong sách sử (thế kỷ thứ 1 TCN), ghi nhận những bức tường được xây dựng thời Chiến Quốc, và chủ yếu các bức tường của Tần Thủy Hoàng xây dựng.[4] Nghĩa của nó là dài "vạn lý" (nghĩa bóng là "vô tận"), phản ánh với tên đầy đủ của nó trong thời hiện đại (萬里長城 Vạn Lý Trường Thành), cũng xuất phát từ sách sử, mặc dù dòng chữ "Vạn Lý Trường Thành" hiếm khi được sử dụng cho đến thời hiện đại. Một ví dụ hiếm hoi được Đường sử viết năm 493, khi sách trích dẫn tướng ở biên giới Tân Daoji.
Lịch sử
Trường thành dưới thời nhà Minh.
Vạn Lý Trường Thành vào mùa đông, đoạn gần Bắc Kinh
Ban đầu trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc, các nước nhỏ đã độc lập xây dựng các tường thành ở phương bắc nhằm tránh giặc Hung nô tràn xuống. Cho đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc thì ông cũng đã liên kết các tuyến phòng thủ rời rạc của các nước thành Vạn lý trường thành.
Lý do để Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành bắt nguồn từ một câu "sấm": "Vong Tần giả, Hồ dã" (Tần mất là do Hồ). Tần Thủy Hoàng tưởng chữ "Hồ" là chỉ giặc Hồ phương Bắc. Dù người làm mất nhà Tần hóa ra là Thái tử "Hồ" Hợi, di sản mà hoàng đế thống nhất Trung Quốc để lại cũng đã đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành sau này.
Một tường thành có tính chất phòng thủ biên giới phía bắc được xây dựng và duy trì bởi nhiều triều đại trong nhiều khoảng thời gian trong lịch sử Trung Quốc. Mục đích chính của nó là bảo vệ người Trung Quốc khỏi sự di cư của người Mông Cổ và người Thổ Nhĩ Kỳ. Có năm đoạn thành chính:
208 TCN (nhà Tần)
thế kỷ thứ 1 TCN (nhà Hán)
thế kỷ thứ 7 (nhà Tùy)
1138 - 1198 (Thời Nam Tống)
1368 - 1640 (từ vua Hồng Vũ đến vua Vạn Lịch của nhà Minh)
Tranh vẽ Vạn Lý Trường Thành vào năm 1900
Đoạn tường thành chính đầu tiên được xây dựng dưới thời cai trị của Tần Thuỷ Hoàng, vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Tần với thời gian tồn tại ngắn ngủi. Bức tường này không được xây dựng bởi nỗ lực của một nhóm mà là việc ghép nối nhiều đoạn tường thành của các vùng, từng được xây dựng ở thời Chiến Quốc, vào nhau. Bức tường được nối vào nhau ở thời gian đó làm bằng đất nện với những tháp canh được xây ở các khoảng cách đều nhau. Nó nằm xa hơn về phía bắc so với Vạn lý trường thành hiện tại với điểm cực đông nằm ở Bắc Triều Tiên hiện nay. Chỉ còn ít phần của nó còn sót lại - các bức ảnh cho thấy những ụ đất thấp, dài.
Triều đình bắt người dân phải làm việc để đắp thành, và các công nhân luôn bị nguy hiểm vì có thể bị bọn cướp tấn công. Bởi vì có nhiều người đã chết khi xây dựng thành, nó được đặt cho cái tên khủng khiếp, "Nghĩa địa dài nhất Trái Đất". Có lẽ khoảng một triệu công nhân đã chết khi xây dựng bức tường thành.
Ước tính 300 ngàn binh lính với không biết bao nhiêu tội nhân, quan lại phạm lỗi, nho sĩ không tuân lệnh đốt sách... phải làm khổ sai trong miền rừng núi trùng trùng điệp điệp, mùa đông thì lạnh buốt, nước đóng băng, mùa hè thì không khí nóng như nung, mù mịt cát bụi. Trên thành cất những đồn canh, và có đường rộng chạy ngựa được giữa các đồn với nhau. Không biết bao nhiêu lời than thở, bao nhiêu nước mắt của thân nhân những người đó, không văn nhân thi sĩ nào chép lại hết được. Trong dân gian còn truyền lại nỗi khổ của nàng Mạnh Khương: "Nàng thương nhớ chồng, đi 10 ngàn dặm đường để thăm chồng bị bắt đi xây thành, đến nơi thì chồng nàng đã chết rồi. Xung quanh chỉ là rừng núi và đá. Không biết kiếm xác chồng ở đâu, nàng tuyệt vọng, khóc mấy ngày mấy đêm, khóc tới nỗi chính cái thành cũng phải mủi lòng, tự động tách ra cho nàng tìm thấy hài cốt chồng."
Bức tường dài tiếp theo được nhà Hán, nhà Tùy, và giai đoạn Thập Quốc xây dựng tiếp với cùng kiểu thiết kế. Nó được làm bằng đất nện với nhiều tháp canh nhiều tầng được xây cách nhau vài dặm. Các bức tường thành cũng đã bị hư hại nhiều và đã lẫn vào phong cảnh xung quanh, bị ăn mòn bởi gió và nước mưa.
Về mặt quân sự, những bức tường này có ý nghĩa về mặt phân chia ranh giới hơn là công sự bảo vệ có giá trị. Chắc chắn rằng chiến lược quân sự của Trung Quốc không diễn ra quanh việc giữ vững bức tường thành.
Vạn Lý Trường Thành ngày nay được xây ở thời nhà Minh, bắt đầu khoảng năm 1368 và kết thúc khoảng năm 1640. Ước tính có khoảng 25.000 tháp canh đã được xây dựng dọc theo bức tường. Trong một đoạn trong kinh Koran, các nhà địa lý Ả Rập cũng liên hệ Alexander đại đế với việc xây dựng tường thành. Bức tường này được xây với tầm vóc to lớn bằng những vật liệu tốt (đá cứng được dùng ở các bề mặt và ở trên đỉnh thành) hơn so với trước đó. Mục đích đầu tiên của bức tường là để ngăn bước những giống người bán du mục phía bên ngoài (như người Mông Cổ dưới sự chỉ huy của hãn vương Altan và Oirats dưới sự chỉ huy của Esen Taiji) vào cướp bóc bên trong Trung Quốc khi họ sử dụng ngựa để di chuyển; hay ngăn cản sự quay trở về của họ với những thứ cướp bóc được.
Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh bắt đầu từ điểm phía đông tại Sơn Hải Quan (山海关), gần Tần Hoàng Đảo, ở tỉnh Hà Bắc gần Vịnh Bột Hải. Kéo dài qua chín tỉnh và 100 huyện, 500km cuối cùng vẫn còn nhưng đã thành những đống gạch vụn, và hiện nay nó kết thúc ở điểm cuối phía tây di tích lịch sử Gia Dục Quan (嘉峪关), nằm ở phía tây bắc tỉnh Cam Túc tại biên giới với Sa mạc Gobi và những ốc đảo của Con đường tơ lụa. Gia Dục Quan được xây để tiếp đón những nhà du hành dọc theo Con đường tơ lụa. Mặc dù Vạn Lý Trường Thành kết thúc ở Gia Dục Quan, tại đó có rất nhiều "phong hỏa đài" (烽火台) trải dài về phía Gia Dục Quan dọc theo Con đường tơ lụa. Những đài quan sát đó dùng dấu hiệu bằng khói để cảnh báo có xâm lược.
Năm 1644, người Mãn Kokes vượt qua bức tường thành bằng cách thuyết phục một vị tướng quan trọng là Ngô Tam Quế mở cửa những cánh cổng Sơn Hải Quan để cho người Mãn Châu vượt qua. Truyền thuyết kể rằng quân Mãn Châu mất ba ngày mới vượt hết qua đèo. Sau khi người Mãn Châu chinh phục Trung Quốc, bức tường thành không còn giá trị chiến lược nữa, đa phần bởi vì người Mãn Châu đã mở rộng quyền kiểm soát chính trị của họ ra xa phía bắc, còn xa hơn cả triều Trung Quốc trước đó. Xem thêm ở nhà Thanh (Mãn Châu).
Đoạn tường cuối cùng thời nhà Minh thực sự là một công sự quân sự về một số mặt. Tuy nhiên, các nhà sử học quân sự thường gạt bỏ giá trị thực của bức tường thành vĩ đại này. Người ta tốn cực kỳ nhiều tiền của và công sức để xây dựng, duy trì và đóng giữ. Số tiền nhà Minh chi phí vào bức tường này đáng ra có thể để chi vào cải thiện khả năng quân sự khác như mua pháo kiểu châu Âu hay súng trường. Sự thực là bức tường thành không hề có giá trị trong việc giúp ngăn chặn sự sụp đổ của nhà Minh.
Sự công nhận
Bức tường thành nằm trong các danh sách "Bảy kỳ quan thời Trung cổ của Thế giới", tất nhiên nó không nằm trong danh sách truyền thống Bảy kỳ quan thế giới mà người Hy Lạp cổ đại công nhận. Và trở thành Di sản thế giới của UNESCO năm 1987.
Người Trung Quốc có câu nói thế này "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán" tức là “không đến Vạn Lý Trường Thành thì không phải là người hảo hán” đã được khắc bia tại trường thành.